Tập trung vốn cho các xã đăng ký về đích

  •   Thứ tư - 09/08/2017 13:44
  •   345 Đã xem
  •  0 Phản hồi

Đường bê tông xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) xây dựng mới để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 - Ảnh: HOÀI NAM

 

Theo kế hoạch, năm 2017 toàn tỉnh có thêm ít nhất 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 40. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương xây dựng hạ tầng, đổi mới bộ mặt nông thôn.

 

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng

 

UBND tỉnh đã phân bổ 89,2 tỉ đồng nguồn vốn Trung ương cho các địa phương, trong đó dành cho đầu tư phát triển 69 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 20,2 tỉ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, UBND tỉnh phân bổ 15 tỉ đồng hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn trên các địa phương ưu tiên bố trí cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, thanh toán nợ, dự án, công trình chuyển tiếp.

 

Theo đó, huyện Đông Hòa vừa tiếp nhận và phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, Trung ương cho các xã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, nâng cấp các công trình hiện có, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ nông thôn. Các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, mỗi xã được phân bổ gần 1,4 tỉ đồng; trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 853 triệu đồng, ngân sách Trung ương gần 530 triệu đồng. Xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông đạt chuẩn nông thôn mới 2016, mỗi xã được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 400 triệu đồng để thanh toán nợ, dự án, công trình chuyển tiếp. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Lê Tấn Thảo cho biết: Từ các nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới, hiện xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc có hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đời sống nhân dân nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh. Phấn đấu năm 2017, xã Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam cho hay: Thời gian qua, UBND xã đã tập trung nguồn vốn xây dựng chợ trung tâm xã với diện tích 4.200m2, vốn đầu tư 3 tỉ đồng, đang hoàn thành, giúp bộ mặt nông thôn khang trang.

 

Huyện Tây Hòa cũng tiếp nhận, phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các xã Hòa Đồng, Hòa Phú, Hòa Mỹ Đông, Sơn Thành Đông và Hòa Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới 2016, mỗi xã 400 triệu đồng để thanh toán nợ, dự án, công trình chuyển tiếp. Riêng xã Hòa Mỹ Tây đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, được phân bổ từ ngân sách tỉnh, Trung ương gần 1,4 tỉ đồng. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho hay: Từ nguồn vốn trên, UBND xã tập trung cao độ các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ trung tâm xã và các hạng mục cơ sở hạ tầng. Xã huy động nguồn vốn khác triển khai các mô hình phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, liên kết theo chuỗi giá trị, triển khai các mô hình điển hình tại các địa phương để nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Nông thôn miền núi khởi sắc

 

Huyện miền núi Đồng Xuân tiếp nhận 2,1 tỉ đồng vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, phân bổ cho xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2017 là 853 triệu đồng (vốn Trung ương hỗ trợ cho mỗi xã 520 triệu đồng). Xã Xuân Sơn Nam là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 được phân bổ 400 triệu đồng để giải quyết nợ đọng, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, ngoài nguồn vốn tỉnh, Trung ương phân bổ, huyện huy động các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ nông thôn, trong đó tập trung cho xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

 

Dọc theo các tuyến đường từ xã Xuân Sơn Nam lên xã Xuân Quang 3 rồi đến xã Xuân Phước, đường bê tông len lỏi vào các xóm nhà, hai bên tuyến đường chính điện đường thắp sáng. Cơ sở hạ tầng như trạm y tế, trường học xây dựng khang trang. Ông Trần Văn Thìn, nông dân ở xã Xuân Quang 3, phấn khởi nói: Ở miền núi cũng giống như ở thành phố, tối điện đường thắp sáng. Xe cộ chạy thông suốt, có xe khách chạy thẳng đi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, không phải sang xe qua 2-3 chặng như trước.

 

Còn xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2017 được tỉnh phân bổ gần 1,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương. Còn xã Sơn Hà là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2017 được phân bổ 400 triệu đồng. Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng xã. Tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn kết, bộ mặt nông thôn miền núi đổi mới hơn.

Nguồn: Báo Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 296

Hôm qua: 1,107

Tháng hiện tại: 29,139

Tháng trước: 54,115

Tổng lượt truy cập: 1,158,679

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây