Mô hình nuôi Ốc Hương thương phẩm theo mô hình an toàn sinh học

  •   Thứ năm - 09/02/2017 15:48
  •   1986 Đã xem
  •  0 Phản hồi

Thấy được những lợi ích cho đối tượng nuôi và môi trường từ mô hình nuôi ốc Hương theo hướng an toàn sinh học mà Trung tâm Khuyến nông đã triển khai cho một hộ nuôi trong vùng, nên ông Trương Văn Thừa ở thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu đã học hỏi, áp dụng và đạt được kết quả tốt đẹp.

Ông Trương Văn Thừa đưa chúng tôi tham quan ao nuôi ốc hương của mình

Ông Trương Văn Thừa đưa chúng tôi tham quan ao nuôi ốc hương của mình


 Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật Khuyến nông trong một lần kiểm tra mô hình nuôi ốc hương ở xã Xuân Phương, Sông Cầu                                                      
Được mệnh danh là một trong những đặc sản hạng nhất của biển bởi ốc Hương có một hương thơm rất đặc biệt, tự nhiên,  thịt giòn, ngọt nên ốc hương rất được ưa chuộng mặc dù giá không hề thấp; ngoài ra đây cũng là đối tượng nuôi có tiềm năng xuất khẩu mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao; bên cạnh đó, việc nuôi ốc hương có chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn  lại dễ nuôi hơn so với nuôi tôm hùm lồng…. Chính vì  những yếu tố trên mà những năm qua, đa số các hộ nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu dần chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm.

Là người có thâm niên trong nghề nuôi tôm hùm lồng nhưng giống như các hộ khác, gia đình ông Trương Văn Thừa cũng chuyển sang nuôi ốc hương từ mấy năm nay mà năm nào gia đình ông cũng thu lãi hơn cả tỉ đồng, nhất là những vụ nuôi thu hoạch vào dịp Tết, lúc đó ốc có giá thu mua cao nên dễ có lãi cao hơn. Ông Thừa cho biết: Nuôi ốc hương khỏe hơn nhiều so với tôm hùm, vì thời gian nuôi chỉ từ 5 -6 tháng là có thể thu hoạch,  ốc ít bị dịch bệnh hơn… Tuy nhiên, thời gian qua việc nuôi ốc hương phát triển tự phát, đa số bà con nuôi chưa tuân thủ lịch thời vụ, chưa phù hợp với quy trình dẫn đến tình trạng ốc bị bệnh, môi trường bị ô nhiễm. Vừa qua, nhờ Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi ốc hương thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho xã Xuân Phương, ông và một số hộ nuôi khác được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… thấy được hiệu quả của mô hình là nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho bà con và để nghề nuôi ốc hương được phát triển bền vững nên ông và những hộ nuôi xung quanh đã áp dụng cách nuôi an toàn mà Trung tâm đã triển khai.

Theo ông Thừa, ốc Hương có tập tính sống đáy cát pha bùn, thích ăn thức ăn tươi nên cần phải làm vệ sinh hồ nuôi hàng ngày, sau khi cho ăn từ 1- 2 giờ cần phải vớt bỏ ngay thức ăn thừa. Áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, yêu cầu thức ăn cho ốc phải đảm bảo độ tươi ngon, không có mùi ôi thối, không bị dập nát, được vệ sinh sạch sẽ, không được ngâm chất giữ tươi, chất bảo quản...ở khâu này, ông Thừa “đặt hàng” cho những người thu gom cá ở cảng, bến và được giao nhận hàng ngày. Để phòng bệnh cho ốc, ông thường xuyên kiểm soát, xử lý tốt nguồn nước ra vào, tăng cường oxy hòa tan và thường xuyên trộn vitamin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho ốc. Bệnh thường xảy ra với ốc hương là bệnh “đơ mày” (mày của ốc không khép lại được) và bệnh “le vòi” (vòi ốc không thu lại được) - ông Thừa giải thích. Nếu thấy ốc có triệu chứng bệnh, ông thường dùng thuốc, kháng sinh được mua từ Viện nuôi trồng thủy sản III Nha Trang để điều trị. Phòng bệnh cho ốc, ông cho phơi hồ, làm vệ sinh sạch sẽ; xử lý nước, môi trường để diệt trừ bệnh hại đến ốc trước khi thả giống. Thường ốc giống có giá khoảng 150 – 200đ/con, kích cớ 0,5cm, ông Thừa thường mua ốc giống từ Hòn Khói – Nha Trang và các trại giống ở Phú Yên. Nhìn chung chất lượng ốc giống rất tốt nên không có sự hao hụt nhiều, tuy nhiên trong quá trình nuôi cần phải chắn đăng sâu dưới lớp cát đáy ít nhất khoảng 10cm để tránh ốc chui ra ngoài, phía trên độ cao lưới cắm đăng phải vượt quá mực nước khoảng 1m để ốc không theo nước bò ra ngoài.

Hiện nay ốc hương thương phẩm có giá thu mua khá cao, khoảng từ 160 – 200 ngàn đồng/kg đối với ốc đúng size (cỡ) đạt 150 con/kg; ốc có cỡ nhỏ hơn sẽ có giá thấp hơn, nhưng không đáng kể. Sau mỗi vụ nuôi, sau khi trừ chi phí, vụ có lãi thấp nhất gia đình ông cũng thu về từ 700 – 800 triệu đồng, còn là 1 tỉ hoặc hơn.
Ông Trương Văn Thừa cho biết, nhờ có mô hình nuôi an toàn sinh học của Trung tâm mà bà con quanh vùng nuôi ý thức hơn trong việc xả thải nước, thức ăn dư thừa được các hộ nuôi gom lại một chỗ để xử lý, bà con cũng rất hạn chế và dùng đúng các loại thuốc, kháng sinh trong quá trình nuôi. Ông Thừa và bà con vùng nuôi cũng rất mong Trung tâm Khuyến nông có thêm nhiều mô hình nuôi an toàn sinh học khác  như cua biển, cá mú, cá giò… góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thủy sản, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con ngư dân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 29

Hôm nay: 7,751

Hôm qua: 8,824

Tháng hiện tại: 74,610

Tháng trước: 39,868

Tổng lượt truy cập: 547,931

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây