Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

http://nongthonmoi.phuyen.gov.vn


Xây dựng nông thôn mới vùng miền núi: Giải quyết khó khăn, tạo hiệu ứng lan tỏa

Xây dựng nông thôn mới vùng miền núi: Giải quyết khó khăn, tạo hiệu ứng lan tỏa
Xây dựng nông thôn mới vùng miền núi: Giải quyết khó khăn, tạo hiệu ứng lan tỏa

Nông dân huyện Sông Hinh thu hoạch sắn - Ảnh: PV

Vùng miền núi với điều kiện tự nhiên và kinh tế khó khăn nên phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) có nhiều hạn chế. Vậy nhưng, hiện một số xã ở các huyện miền núi đã đạt chuẩn NTM. Đây chính là tiền đề để những xã còn lại phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM.

Nỗ lực về đích

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, Phú Yên có 45 xã miền núi. Năm 2012, bình quân toàn tỉnh đạt 5,07 tiêu chí/xã thì vùng miền núi chỉ đạt bình quân 4,09 tiêu chí/xã. Với điểm xuất phát thấp nên vùng miền núi gặp khó đối với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo. Nhờ sự vào cuộc của các cấp ngành, sự chung tay của người dân nên sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, 3 huyện miền núi đạt bình quân 10,36 tiêu chí/xã (năm 2016). Hiện vùng miền núi đã có 7 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 18 tiêu chí, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí…

Năm 2015, 2 xã Sơn Giang và Đức Bình Tây của huyện Sông Hinh là 2 xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM. Có được kết quả này là nhờ chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất. Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: Để hoàn thành xây dựng NTM, xã đã huy động hơn 90 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 5 tỉ đồng và hiến hơn 2ha đất. Người dân cũng là lực lượng nòng cốt trong đóng góp ngày công, giám sát công trình. Nhờ vậy, hiện 14km đường nông thôn trong xã được bê tông, đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm…

Năm 2016, vùng miền núi của tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM. Hai huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân có xã đầu tiên cán đích NTM. Theo ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), cuối năm 2015, xã Sơn Hà hoàn thành 18/19 tiêu chí. Nhưng do tiêu chí hộ nghèo, nhà ở dân cư thay đổi theo chuẩn nghèo mới, đến nay xã chỉ đạt 17/19 tiêu chí. Thời gian qua, xã Sơn Hà đã nỗ lực phát triển sản xuất, thực hiện quy hoạch trồng trọt trên diện tích gần 2.700ha, trong đó tập trung vào cây mía với gần 1.900ha và phát triển đàn bò lai đạt 1.400 con. Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ dân làm mô hình trang trại và các doanh nghiệp mở công ty hoạt động; tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động trong xã với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Các hội đoàn thể của địa phương còn đứng ra ký ủy thác với các ngân hàng tạo điều kiện cho gần 450 hộ dân được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng. Cuối năm ngoái, xã đã giảm được 104 hộ nghèo, toàn xã chỉ còn 119 hộ nghèo, 15 nhà tạm được xóa, thu nhập người dân từ 19 triệu đồng tăng lên 23 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, trong 5 năm, xã Sơn Hà đã huy động hơn 395 tỉ đồng để bê tông hóa 4,5km đường liên xã, 12,5km đường liên thôn và sửa chữa, nâng cấp trường mầm non, nhà văn hóa…

Tạo sức lan tỏa

Sự đổi thay ở xã NTM Sơn Hà đã tạo động lực để xã Sơn Nguyên, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) phấn đấu cán đích NTM vào năm 2017. Ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho hay: Năm 2017, huyện Sơn Hòa tập trung mọi nguồn vốn để hoàn thành các công trình phục vụ dân sinh, trong đó tập trung cho 2 xã Sơn Định, Sơn Nguyên. Xã Sơn Nguyên sẽ lấy cây mía làm đòn bẩy để phát triển kinh tế; xã Sơn Định lấy cây cao su, mía, sắn và trồng rừng làm cơ sở để phát triển sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập. Hiện xã Sơn Định đạt 12/19 tiêu chí, xã Sơn Nguyên đạt 16/19 tiêu chí. Trước mắt, huyện Sơn Hòa sẽ cố gắng giúp xã Sơn Nguyên hoàn thành 19 tiêu chí NTM trong năm 2017. Để đạt mục tiêu này, xã Sơn Nguyên cần được đầu tư hoàn chỉnh lưới điện tại 5 thôn và xóa 9 nhà tạm.

Một số xã miền núi khác như Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), Xuân Quang 3, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh)… đều phấn đấu đạt xã NTM trong năm 2017. Ông Nguyễn Hữu Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay: Địa phương có 4 xã miền núi, trong đó 2 xã Sơn Thành Đông và Hòa Thịnh đã cán đích NTM năm 2016. Đến nay, xã Hòa Mỹ Tây đã đạt 18/19 tiêu chí, xã Sơn Thành Tây đạt 12 tiêu chí. Huyện phấn đấu trong năm nay, hai xã này sẽ đạt chuẩn NTM, trở thành huyện NTM với 10/10 xã đạt NTM. Để đạt được kết quả này, 2 xã này cần trên 29 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, thời gian qua, việc xây dựng NTM ở các xã của 3 huyện miền núi của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự chung tay của nhân dân nên phong trào xây dựng NTM vùng miền núi có nhiều khởi sắc, giúp nâng cao mức sống của người dân. Theo kế hoạch, năm 2017, vùng miền núi có 5 xã ở 3 huyện miền núi và 1 huyện có xã miền núi đăng ký đạt chuẩn NTM. Các xã này cần hơn 75 tỉ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và xóa hơn 60 nhà tạm.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây