Sơn Hòa tận dụng lợi thế xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 02/11/2017 21:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đến nay, các xã trên địa bàn huyện Sơn Hòa đã đạt thêm 6 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành từ 146 lên 152. Bình quân mỗi xã đạt 11,69 tiêu chí, tăng 7 tiêu chíso với năm 2016. Có được kết quả này là nhờ địa phương đã biết phát huy những thế mạnh, giúp các xã trong huyện từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Theo UBND huyện Sơn Hòa, là huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên ngoài được đầu tư vốn từ chương trình xây dựng NTM, huyện còn được đầu tư từ các chương trình hỗ trợ cho vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Từ đây, huyện đã xây dựng hạ tầng cơ sở và hoàn thành các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại giao thông, nhà ở dân cư… Toàn huyện hiện có 13 xã đạt tiêu chí điện và thông tin tuyên truyền, 11/13 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, 12/13 xã đạt tiêu chí thủy lợi.
Ông Đặng Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, cho biết: Xã Sơn Nguyên được tỉnh, huyện chọn làm xã điểm xây dựng NTM. Đồng thời, xã có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ từ các chính sách dân tộc. Đây là những thế mạnh giúp xã huy động được hơn 36 tỉ đồng vào hoàn thiện hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh và phát triển sản xuất. Đến nay, xã xây dựng 3 công trình nước sạch, bê tông hóa 53 tuyến đường với tổng chiều dài gần 13km, cứng hóa 1,2km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho 24ha lúa 2 vụ. Xã cũng đã xây mới 5 nhà văn hóa tại 5 thôn, xóa 67 nhà dột nát, nhà tạm cho các hộ nghèo và nâng cấp, sửa chữa các công trình trường học, chợ…
Sản xuất nông nghiệp ở huyện Sơn Hòa được quy hoạch theo hướng chuyên canh gắn với cây trồng chủ lực như mía, sắn và trồng rừng, nên sản xuất được đầu tư từ các chương trình như tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng miền núi… Các nhà máy chế biến được xây dựng gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Nhà máy sắn Đồng Xuân, giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm, giảm nghèo… Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị đã giúp 95% diện tích sản xuất được làm bằng máy, 97% máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch lúa, 7.649 hộ dân/15.657 hộ có hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía, lúa, sắn với các nhà máy, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước, cho biết: Được sự hỗ trợ của Sở TN-MT, mô hình mía tưới nước đã được triển khai. Đến nay, người dân xã Sơn Phước không còn phụ thuộc vào nước trời mà đã chủ động tưới mía bằng phương pháp ống nhỏ giọt và péc phun quay tự động; trồng mía, bón phân bằng máy. Năng suất mía tăng, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn đã giúp đời sống người dân trong xã ngày một đổi thay.
Từ nay đến năm 2020, huyện Sơn Hòa tập trung vào hoàn thành các tiêu chí còn yếu như trường học với 2/13 xã đạt, cơ sở vật chất văn hóa 5/13 xã, nhà ở dân cư 2/13 xã đạt… Theo ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng NTM của huyện, mặc dù được công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở cả ba cấp nhưng cơ sở vật chất trường học còn hạn chế. Cơ sở vật chất văn hóa tuy đã đáp ứng 85% nhu cầu sinh hoạt của người dân song tính bền vững còn thấp… Để giải quyết vấn đề này, địa phương dành hơn 12,1 tỉ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở trường học, gần 3,2 tỉ đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng văn hóa.
Trong tổng số 13 xã của huyện Sơn Hòa, hiện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Sơn Hà, Sơn Nguyên; 1 xã đạt 15 tiêu chí; 2 xã đạt 12 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 6 tiêu chí trở lên.
Nguồn: Báo Phú Yên