Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

http://nongthonmoi.phuyen.gov.vn


Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn huyện Sơn Hòa tham gia lớp học nghề may công nghiệp 

Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, trong năm 2017, yêu cầu đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNLĐNT) là phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất; tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2016, các cơ sở dạy nghề có tham gia tuyển sinh và dạy nghề cho lao động nông thôn được 2.333 người. Trong đó, dạy nghề nông nghiệp 699 người và dạy nghề phi nông nghiệp là 1.634 người. Các ngành nghề thu hút nhiều người học như: cơ khí; vận hành máy đào, may thiết kế thời trang, may công nghiệp, điện dân dụng, điện công nghiệp, nghiệp vụ nhà hàng, thú y, kỹ thuật làm bánh, nấu ăn, gia công thiết kế sản phẩm mộc, lái ô tô, kỹ thuật trồng trọt, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, sản xuất hàng da giày, thêu ren, dệt thổ cẩm…

Ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Năm 2017, tỉnh đang phấn đấu đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động xã hội 2.500 người, gồm dạy nghề phi nông nghiệp 1.750 người và dạy nghề nông nghiệp 750 người, đồng thời nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo là 61%; trong đó qua đào tạo nghề là 45%.

 

Tại hội nghị triển khai công tác ĐTNLĐNT toàn quốc mới đây, Chính phủ yêu cầu không tổ chức ĐTNLĐNT khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề. Cần phải tập trung đánh giá đầy đủ công tác ĐTNLĐNT, những gì là thế mạnh, thành công, đâu là hạn chế để có những đề xuất cải tiến hoạt động đào tạo nghề trong giai đoạn tới. Trong giai đoạn 2016-2020, ĐTNLĐNT được đưa vào nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác ĐTNLĐNT phải là một cuộc cách mạng, cần phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Nhìn lại công tác ĐTNLĐNT trong năm qua trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhiều huyện vẫn gặp không ít khó khăn, chưa đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Chia sẻ những khó khăn trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, bà Võ Thị Sáu, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Đông Hòa, cho biết công tác ĐTNLĐNT ở huyện còn nhiều khó khăn. Năm 2016, tỉ lệ ĐTNLĐNT toàn huyện chỉ đạt hơn 70%. Còn ông Phan Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH TX Sông Cầu, cho hay: Tỉ lệ ĐTNLĐNT ở TX Sông Cầu được 80%. Khó khăn lớn nhất của thị xã là tỉ lệ lao động nông thôn thuộc đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề, sau khi được đào tạo gặp khó khăn về vốn và điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất. “Phần lớn hộ nghèo chuyên bám biển, mà nghề đánh bắt thủy hải sản thì chưa có, nên khó vận động bà con tham gia học nghề nông thôn”, ông Nguyên nói.

 

Nâng chất các cơ sở dạy nghề

 

Theo ông Lê Văn phổ, cái khó của công tác ĐTNLĐNT hiện nay là việc phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho các cơ sở dạy nghề còn chậm, dẫn đến các cơ sở dạy nghề chưa chủ động trong việc tuyển sinh học nghề. Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở, trong đó có 12 cơ sở dạy nghề có tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Thế nhưng, tại một số cơ sở dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề, một số cơ sở dạy nghề chưa sử dụng hết các thiết bị dạy nghề đã trang bị vì không tuyển sinh được ngành nghề đào tạo thiết bị đó.

 

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết thời gian đến, tỉnh sẽ rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các cơ sở công lập cấp huyện, thị xã; thu hút các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập, viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông trường, lâm trường, trang trại và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có đủ điều kiện tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục đầu tư Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên; đầu tư nâng cao năng lực của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập các huyện, thị xã còn ở mức thấp và nâng cấp lên thành trường trung cấp nghề khi có đủ điều kiện. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các cơ sở giáo dục tư thục tham gia dạy nghề.

 

Ông Phất nhấn mạnh, bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, năng lực hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với công tác ĐTNLĐNT cũng được tăng cường. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của người lao động học nghề xong phải có việc làm từ 80% trở lên…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây