Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

http://nongthonmoi.phuyen.gov.vn


Chương trình 135: Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới vùng miền núi

Chương trình 135: Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới vùng miền núi
Chương trình 135: Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới vùng miền núi

Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều hộ nghèo vùng miền núi được hỗ trợ phát triển sản xuất - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Thời gian qua, trong số các chương trình đầu tư cho vùng miền núi thì Chương trình 135 đã hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới (NTM), giúp nơi này đổi thay từng ngày.

Người dân được thụ hưởng

Ông Sô Minh Tân ở thônTân Hiên, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), vừa bốc mía lên xe tải vừa vui vẻ cho biết: “Đường này ngày trước nhỏ hẹp, đất đá lởm chởm, mùa mưa thì lầy lội. Xe tải không vô được, nên tôi phải thuê cộ bò chở mía, sắn ra đường lớn mới đưa lên xe tải về nhà máy. Giờ đường bê tông khang trang, rộng rãi, xe chạy tới tận ruộng nên chi phí vận chuyển cũng bớt đi”. Là người được thụ hưởng nhưng ông Tân và nhiều bà con ở thôn Tân Hiên không phải ai cũng biết đường nội đồng dài 1,3km này được bê tông hóa nhờ nguồn vốn 460 triệu đồng của Chương trình 135 năm 2016.

Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn Chương trình 135 còn hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất của người dân vùng miền núi. Mí Thoa ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), cho hay: Trước đây, nhà mí nghèo không có tiền mua giống nên đành bỏ hoang hơn 1ha đất rẫy. Giờ, nhờ được Nhà nước hỗ trợ giống sắn, lúa lai nên mí đã có điều kiện trồng trọt, phủ xanh đất trống. Sau thu hoạch, mí có cả chục triệu đồng để lo cái ăn, cái mặc và sinh hoạt cho cả nhà trong một năm.

 

Khác với Mí Thoa, chị La Lan Thị Mùi ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) không được hỗ trợ giống mà được hỗ trợ làm chuồng bò. Theo chị Mùi, lâu nay, gia đình chị vẫn có thói quen cột bò gần hiên nhà, trời mưa nắng dắt bò xuống dưới sàn; nhiều lúc không kịp dọn, mùi phân bò bốc lên hôi khắp nhà. Từ khi được hỗ trợ làm chuồng, gia đình vừa có chỗ nhốt bò không lo mưa nắng mà trong nhà cũng hạn chế được mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường sống.

 

28 hộ nghèo ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) thì được hỗ trợ hơn 160 triệu đồng từ nguồn kinh phí Chương trình 135 năm 2016 để cải tạo đất sản xuất, chăn nuôi bò, mua bồn chứa nước sinh hoạt... Ông Đặng Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, cho biết: Toàn xã có 5 thôn. Nguyên Xuân là thôn duy nhất có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, được hưởng hỗ trợ từ Chương trình 135. So với các thôn khác, thôn này có đông hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 10-15 triệu đồng/người/năm, ít hơn 4-6 triệu đồng/người/năm so với bình quân chung cả xã. Trong xây dựng NTM, việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất ở thôn gặp khó khăn do kinh phí đối ứng của bà con hạn chế. Nhưng nhờ có nguồn vốn Chương trình 135 lồng ghép nên việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở thôn Nguyên Xuân thuận lợi hơn. Nhờ đó, diện mạo của thôn đổi thay từng ngày, từng bước bắt kịp sự phát triển chung của xã.

 

Bộ mặt thôn buôn thay đổi

 

Ea Chà Rang là xã nghèo của huyện Sơn Hòa. Cùng với đường nông thôn, công trình nước, nhà văn hóa, từ năm 2016 đến nay, nhờ nguồn kinh phí của Chương trình 135, một loạt trường học tại các thôn, buôn được nâng cấp khang trang. Theo ông Thái Hồng Tân, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, năm 2016, xã được đầu tư hơn 900 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Từ nguồn kinh phí này, xã đã xây tường rào, sửa chữa Phân trường tiểu học Độc Lập A, đổ bê tông sân trường, xây nhà bảo vệ tại trường tiểu học và trường THCS trên địa bàn xã; đồng thời hỗ trợ sản xuất cho khoảng 50 hộ nghèo...

 

Trên địa bàn huyện Sông Hinh, đến nay, nhiều công trình trường học, đường nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây mới, nâng cấp đã giúp hoàn thiện hạ tầng cơ sở tại 6 xã và 8 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Theo Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, từ hơn 7,7 tỉ đồng nguồn vốn Chương trình 135, UBND huyện đã lồng nghép với nguồn vốn NTM để xây mới, bảo dưỡng hơn 43 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, buôn khó khăn, từ đây góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn cũng được hỗ trợ giống sắn, cỏ, lúa lai, bò đực lai, heo, máy bơm nước và vật tư nông nghiệp (thuốc trừ cỏ, phân bón NPK) để phát triển sản xuất với kinh phí hơn 2 tỉ đồng cũng từ nguồn vốn này.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, với hơn 23 tỉ đồng vốn Chương trình 135 năm 2016, toàn tỉnh có 90 công trình hạ tầng cơ sở được xây dựng và hơn 1.400 hộ nghèo được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, mua nông cụ phục vụ phát triển sản xuất… Từ đây tạo ra sự thay đổi đáng kể cho vùng nông thôn miền núi. Hiện tại vùng miền núi, thu nhập bình quân đầu người từ 18-26 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trạm y tế, 99,5% hộ vùng miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia…

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây