Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

http://nongthonmoi.phuyen.gov.vn


Ngân hàng bò: Món quà “sinh kế” cho người nghèo

Trước kia, gia đình ông Lưu Xuân Nhượng (SN 1958), thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng) là một trong những hộ nghèo nhất xã. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng
Trao cơ hội thoát nghèo

Trước kia, gia đình ông Lưu Xuân Nhượng (SN 1958), thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng) là một trong những hộ nghèo nhất xã. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng. Con gái ông bị khuyết tật bẩm sinh, thường xuyên đau ốm nên gia đình khó thoát nghèo. May mắn năm 2012, từ nguồn vận động của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, ông Nhượng được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện tặng một con bò sinh sản. 

Đến nay, trong niềm vui đón lứa bê thứ hai ra đời, ông xúc động: “Được tạo điều kiện nhận nuôi bò, gia đình tôi rất phấn khởi. Có bò, việc cấy lúa, trồng màu đúng thời vụ, thuận lợi, năng suất cao hơn. Dù còn khó khăn nhưng tôi đã tích lũy được số vốn nhỏ để tiếp tục phát triển kinh tế”. Ngoài phục vụ cày bừa, sau một năm có lứa bê đầu tiên, ông chuyển lại cho Hội CTĐ huyện để tiếp tục trao “cần câu” khởi nghiệp cho hộ nghèo khác.

Gia đình ông Nhượng là một trong 42 hộ nghèo ở huyện Yên Dũng được hưởng lợi từ Chương trình “Ngân hàng bò”. Mục tiêu là thành lập “Ngân hàng bò sống”, trao cho người nghèo nuôi dưỡng để tăng số lượng, rồi tiếp tục tạo cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ khác. Từ năm 2013 đến nay, Hội CTĐ huyện đã nhận 13 con bê/15 con của toàn tỉnh. Để có kết quả trên, ngoài vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm ủng hộ, Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Thú y huyện lựa chọn giống bò phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương; đến từng hộ hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh phòng dịch, cách phối giống… để bò sinh sản, phát triển tốt. 

Từ năm 2013 đến nay, Hội CTĐ các cấp đã vận động cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng 168 con bò sinh sản cho hộ nghèo ở 10 huyện, TP, tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp, đơn vị tích cực tham gia đóng góp là: Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn; Tổ chức Đông Tây hội ngộ; Ban Truyền hình đối ngoại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam)… 

Điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng mua bò chăn nuôi. Chương trình “Ngân hàng bò” đã giải quyết được nỗi lo ấy. Với hình thức hỗ trợ trực tiếp và luân chuyển lứa bò kế tiếp nên số hộ nghèo được hưởng lợi sẽ nhân lên theo thời gian. Mới đây, trong hành trình “Ngân hàng bò” tại huyện Lục Ngạn, 16 hộ nghèo nhận bò sinh sản không giấu nổi niềm vui khi được trao món quà “sinh kế”. 

Ông Nguyễn Hữu Tuyn, thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn phấn khởi: “Bò dễ nuôi, có thể tận dụng thực phẩm thừa trong sinh hoạt, cây cỏ trong vườn làm thức ăn lại giúp sức kéo trong sản xuất nông nghiệp. Gia đình tôi sẽ tích cực chăm sóc theo đúng hướng dẫn và bàn giao lứa bê đầu tiên, giúp hộ nghèo khác có cơ hội vươn lên". 

Nỗ lực vận động

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo, từ năm 2010, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam triển khai Chương trình “Ngân hàng bò”, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, không chỉ người nghèo huyện Sơn Động được hưởng lợi, mà các cấp hội CTĐ đã nỗ lực vận động, đề xuất với cấp ủy, chính quyền 10 huyện, TP thành lập Ban chỉ đạo. Từ đó, đề ra kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể; đưa tiêu chí ủng hộ “Ngân hàng bò” vào việc đánh giá, bình xét hoạt động của từng chi hội, địa phương để khuyến khích nơi làm tốt. 

Ví như ở Hội CTĐ xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa), bên cạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm ủng hộ, cán bộ tổ chức rà soát, lựa chọn đối tượng hưởng lợi đúng tiêu chí. Đồng thời yêu cầu gia đình cam kết chuyển lại lứa bê đầu tiên để hỗ trợ đối tượng khác; chỉ đạo từng chi hội bám sát, cử thành viên phối hợp với cán bộ thú y đến từng nhà, hướng dẫn bà con chăm sóc phòng dịch.

Từ con bò sinh sản, nhiều hộ nghèo biết phát huy vốn khởi nghiệp, từng bước vươn lên thoát nghèo. Bà Ma Thị Thìn Nga, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh  cho rằng: Để “Ngân hàng bò” có sức sống lâu bền, duy trì tốt chất lượng các lứa bò, bê kế tiếp, Hội CTĐ các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; vận động lồng ghép với xây dựng Quỹ Nhân đạo và các chương trình từ thiện khác để nguồn vốn ngày thêm sinh sôi. Bên cạnh đó, quản lý tốt nguồn quỹ và kiểm soát việc giao lại lứa bê đầu cho hộ nghèo kế tiếp, đồng thời ưu tiên tặng bò cho hộ nghèo huyện Sơn Động và 13 xã khó khăn của Lục Ngạn.

 

Nguồn: Theo Báo Bắc Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây